ĐỀ ÁN

DỰ ÁN TUYỂN TẬP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN

******************************************

1. Bối cảnh, mục đích, ý nghĩa

1.1 Bối cảnh

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền khoa học và công nghệ (KHCN) hàng đầu thế giới. Chính KHCN là đòn bẩy tạo nên sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế và xã hội Nhật Bản sau Thế chiến thứ II. Trong bối cảnh các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, các thảm họa tự nhiên và dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế – xã hội ở quy mô toàn cầu, nhu cầu tiếp thu các công nghệ tiên tiến trên thế giới và sự hợp tác KHCN giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng ngày càng được quan tâm ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, khi số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản không ngừng gia tăng, có đông đảo người Việt tại Nhật đã và đang trở thành những chuyên gia am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực KHCN của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Cộng đồng này cũng ngày càng gắn kết và bắt đầu có những đóng góp thiết thực cho Việt Nam. Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (tên tiếng Anh: Vietnamese Academic Network in Japan – VANJ) được thành lập từ 2016 là một ví dụ tiêu biểu cho sự lớn mạnh của cộng đồng. Và đây là  tiền đề cho sự ra đời của dự án xây dựng cuốn tuyển tập giới thiệu về KHCN Nhật Bản.

1.2 Mục đích

Với mong muốn cung cấp các thông tin hữu ích và cập nhật về KHCN Nhật Bản cho đông đảo người Việt trong và ngoài nước, dự án xây dựng cuốn “Tuyển tập Khoa học Công nghệ Nhật Bản” được VANJ triển khai và mang tính phi lợi nhuận, dự kiến sẽ được tiến hành trong nhiều năm, với thành quả là những ấn phẩm được phát hành định kỳ. Các ấn phẩm này sẽ được đăng tải trên website chính thức của Dự án tuyển tập (https://jst.vanj.jp/) và các kênh thông tin của VANJ. Mọi độc giả đều có thể truy cập nội dung một cách hoàn toàn miễn phí. 

Nội dung của cuốn giới thiệu KHCN Nhật Bản sẽ đặc biệt chú trọng đến những lĩnh vực là thế mạnh của Nhật Bản và những công nghệ có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại ở Việt Nam. 

1.3 Ý nghĩa

Thành quả của dự án sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho rất nhiều đối tượng người Việt trong và ngoài nước, có thể kể ra như dưới đây:

  • Học sinh, sinh viên: Hiện nay Nhật Bản là điểm đến du học lý tưởng của rất nhiều sinh viên Việt Nam. Tuyển tập sẽ mang đến những thông tin mới nhất về tình hình KHCN Nhật Bản giúp các bạn học sinh, sinh viên trong việc chọn ngành, chọn trường trước và sau khi sang Nhật du học.
  • Các nhà khoa học: Tuyển tập sẽ mang đến những thông tin hữu ích để các nhà khoa học Việt Nam nắm bắt tình hình KHCN ở Nhật Bản, qua đó thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước.
  • Các doanh nghiệp: Các thông tin về các công nghệ mới nhất của Nhật Bản trong tuyển tập sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước trong các vấn đề hợp tác kinh tế, chuyển giao công nghệ.
  • Các cơ quan, bộ ngành: Các thông tin tổng hợp về bức tranh KHCN Nhật Bản trong tuyển tập sẽ mang đến những tham khảo quan trọng trong việc xây dựng chính sách, định hướng phát triển KHCN và kinh tế xã hội tại Việt Nam.
  • Các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại Nhật Bản: Việc tham gia xây dựng tuyển tập là dịp để các chuyên gia người Việt đang làm việc tại Nhật có những đóng góp trực tiếp cho Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là các cơ hội để mỗi cá nhân mở rộng mạng lưới, tìm kiếm thêm các cơ hội để hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ.

2. Tiêu chí các bài viết

Các bài viết trong Tuyển tập được định hướng đáp ứng được ít nhất một trong

số các tiêu chí sau:

  • Giới thiệu được xu hướng phát triển Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản
  • Giới thiệu được các công nghệ của Nhật Bản có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề của Việt Nam
  • Giới thiệu thông tin của các nhóm nghiên cứu, phòng nghiên cứu tại Nhật Bản.

3. Đối tượng tác giả

Các tác giả bao gồm (nhưng không giới hạn ở) những nhóm đối tượng sau:

  • Nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu
  • Chuyên gia tại các công ty, tổ chức, cơ quan chính phủ
  • Chuyên gia độc lập

Không phân biệt quốc tịch, quốc gia sinh sống, miễn là đáp ứng được các tiêu chí bài viết.

4. Cách thức tiến hành 

  • Đơn vị thực hiện dự án: Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) 
  • Đơn vị đồng tổ chức: Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nhật (VJOIN)
  • Tác giả: các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quốc tịch.
  • Đơn vị tài trợ: các tổ chức, doanh nghiệp có cùng quan điểm về mục đích và ý nghĩa của dự án.
  • Tài chính:
  • Thu: từ ngân sách của đơn vị thực thi và các nguồn tài trợ.
  • Chi: kinh phí hoạt động của Hội đồng Biên tập, kinh phí truyền thông cho ấn phẩm trên website và sách, kinh phí truyền thông cho dự án

5. Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản số thứ nhất

Dự án xây dựng cuốn Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản được VANJ chính thức triển khai vào tháng 7/2020 và đã xuất bản cuốn tuyển tập số 1 vào năm 2021 (https://jst.vanj.jp/index.php/category/volume-1-2021/). Tuyển tập số đầu tiên đã xuất bản gồm 35 bài viết thuộc 9 lĩnh vực được đóng góp bởi các tác giả tới từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và công ty tại Nhật Bản và Việt Nam, giới thiệu được nhiều lĩnh vực KHCN thế mạnh của Nhật Bản, cũng như các lĩnh vực đang được Việt Nam rất quan tâm (như y sinh, môi trường, robot, công nghệ vật liệu, v.v). 

Nhân dịp đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm và gặp gỡ cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra vào ngày 23 tháng 11 năm 2021, ban điều hành dự án đã rất vui mừng và vinh hạnh khi được gửi tặng Tuyển tập KHCN Nhật Bản đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ trưởng và thành viên của phái đoàn.

6. Kế hoạch hoạt động cho năm 2023

  • Xây dựng Tuyển tập KHCN Nhật Bản số thứ 2

Năm 2023 – 2024, Dự án tiếp tục được triển khai để ra mắt cuốn tuyển tập số 2 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Các bài viết sẽ tập trung vào những lĩnh vực, chủ đề đáp ứng nhu cầu trực tiếp của Việt Nam. Các ấn phẩm này sẽ được đăng tải trên website chính thức của Dự án tuyển tập (https://jst.vanj.jp/) và các kênh thông tin của VANJ. 

  • Các chủ đề trọng tâm của Tuyển tập số thứ 2

– Các công nghệ Việt Nam quan tâm:  

Nông nghiệp hiệu quả cao, 

Công nghệ vi mạch và công nghệ bán dẫn, 

Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo,

Năng lượng

– Các công nghệ thế mạnh của Nhật Bản: 

Kỹ thuật vật liệu,

Y sinh,

Tự động hoá, robot,

Công nghệ môi trường,

Xây dựng và giao thông

  • Thành lập Hội đồng biên tập

Hội đồng biên tập bao gồm các chuyên gia người Việt hàng đầu trong đa lĩnh vực. Hiện tại HĐBT bao gồm 43 thành viên là các Giáo sư,  Phó giáo sư, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, và Tiến sĩ đang làm giảng viên tại các trường đại học và nghiên cứu tại các công ty danh tiếng tại Việt Nam và Nhật Bản.

Xây dựng và vận hành website riêng cho quy trình bình duyệt khoa học 

https://ojs.vanj.jp/index.php/jst/index

Xây dựng và vận hành website nộp, bình duyệt và trao đổi nội dung khoa học giữa tác giả bài viết và Hội đồng biên tập của Dự án.

  • Duy trì xuất bản định kỳ trên website Dự án và đưa website thành cổng thông tin KHCN Việt Nam – Nhật Bản https://jst.vanj.jp/

Tăng cường tương tác và kết nối hoạt động học thuật của mạng lưới người Việt Nam tại Nhật Bản, hướng tới hỗ trợ triển khai và thúc đẩy các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

  • Tính thương mại: các sản phẩm của dự án sẽ không được thương mại hóa mà sẽ được cung cấp tới mọi đối tượng độc giả hoàn toàn miễn phí.
  • Quyền sở hữu: Quyền sở hữu của cuốn giới thiệu KHCN Nhật Bản thuộc về đơn vị thực hiện dự án (VANJ).