03.Khoa học cơ bản

Khoa học Neutrino: Hiện tại và Tương lai

Tương tự như electron, neutrino là hạt cơ bản cấu thành nên thế giới vật chất. Tuy nhiên phải đến năm 1956, neutrino mới được quan sát bằng thực nghiệm mặc dù sự tồn tại của nó đã được tiên đoán từ trước đó khoảng 26 năm. Neutrino bước lên vũ đài của các hạt cơ bản và phá vỡ các tiền lệ trước đó, trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong hơn năm thập kỷ vừa qua và chắc chắn trong vài thập kỷ tiếp theo. Neutrino có khối lượng là bằng chứng cụ thể nhất cho vật lý mới bên ngoài Mô Hình Chuẩn của các hạt cơ bản. Neutrino tương tác rất yếu với vật chất và vì vậy rất khó được phát hiện, nhưng cũng vì vậy neutrino mang những thông tin với giá trị rất riêng và không thể thay thế. Nghiên cứu neutrino sẽ không chỉ mang đến niềm hi vọng mới trong việc hiểu thế giới hạt cơ bản, mà còn mở ra những chân trời mới cho khoa học neutrino với những lợi ích thiết thực cho thế giới chúng ta.

04.Vật liệu

30 năm nghiên cứu về ống nano các-bon

Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày phát hiện ra ống nano các-bon vào năm 1991. Khi đó tác giả 33 tuổi, năm nay tác giả 63 tuổi, và sẽ nghỉ hưu vào năm 2023. Nghiên cứu về ống nano các-bon được bắt đầu từ con số không vào năm 1991. Ngày nay nó đã được đưa vào ứng dụng thực tế với hàng loạt các nhà máy tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhìn lại 30 năm nghiên cứu về ống nano các-bon và thông qua bài viết này tôi có đôi lời nhắn nhủ đến những độc giả Việt Nam, những bạn có mong muốn được học tập tại Nhật Bản cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới.

Vật liệu ceramic tân tiến và động cơ tua bin khí cho máy bay thế hệ mới

Ceramic là vật liệu vô cơ (thường ở thể rắn) của các nguyên tử kim loại hoặc phi kim có liên kết ion hoặc liên kết hóa trị. Có lịch sử phát triển lâu đời hàng ngàn năm, dưới dạng các sản phẩm gốm sứ thủ công, đến nay vật liệu ceramic đã được phát triển thêm nhiều tính năng đặc biệt như: nhiệt độ nóng chảy cực cao (trên 2000 độ C), khả năng chống ăn mòn cực tốt, siêu cứng và chống mài mòn. Nhiều loại ceramic còn có khả năng dẫn nhiệt tốt và có bandgap rộng nên thích hợp làm các linh kiện điện tử, bán dẫn. Với sự phát triển của công nghệ nano, vật liệu composite của ceramic với các hạt nano có thể đạt được những tính chất ưu việt của plastic hoặc kim loại, nhờ thế mà ceramic ngày càng được sử pdụng để thay thế các vật liệu này trong các ứng dụng công nghệ cao như cấy ghép xương, động cơ ô tô-máy bay, kỹ thuật siêu dẫn… Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trên thế giới về phát triển các vật liệu ceramic tân tiến như zirconia (ZrO2), silic nitrua (Si3N4), silic cacbua (SiC)… Bài viết này giới thiệu tình hình phát triển của vật liệu ceramic tân tiến ở Nhật Bản, có đối chiếu so sánh với các nước và khu vực phát triển khác như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Những hướng phát triển đang được thế giới quan tâm của vật liệu ceramic như vật liệu ceramic dùng trong lĩnh vực y sinh, vật liệu ceramic có tính áp điện (piezoelectric) dùng chế tạo cảm biến… sẽ được đề cập.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn, tác giả chọn một hướng phát triển tiêu biểu để giới thiệu cụ thể: vật liệu ceramic tự lành dùng cho lưỡi tuốc bin của động cơ máy bay thế hệ kế tiếp. Trong đó, vật liệu cômpozit của gốm silicat và hạt nano SiC được tổng hợp từ phản ứng ở thể rắn (solid state reaction) bằng phương pháp ép nóng (hot-pressing). Bề mặt của vật liệu đã tổng hợp sẽ được tạo vết nứt một cách hệ thống bằng máy đo độ cứng Vickers, sau đó đem đi xử lý trong môi trường hoạt động của động cơ máy bay (hơi nước ở nhiệt độ cao). Quá trình này oxy hóa của các hạt nano SiC, tạo ra các pha mới, và hàn kín vết nứt. Sau khi xử lý, vật liệu được phân tích bằng kỹ thuật nhiễu xa tia X (X-ray diffraction) và kính hiển vi điện tử quét (Scanning Electron Microscope) để kiểm tra sự tự lành của vết nứt. Cơ tính của vật liệu như độ cứng, độ bền uốn cũng sẽ được đo đạc và so sánh với vật liệu nguyên mẫu (trước khi có vết nứt) để kiểm chứng tính ưu việt của đặc tính tự lành.

Giới thiệu tổng quan nghiên cứu về tiềm năng ứng dụng sóng Terahertz

Ngày nay trên đường đi ra ga Tokyo đón tàu về nhà, chúng ta có thể nói chuyện và nhìn thấy trực tiếp hình ảnh người thân đang ở Việt Nam cách hơn 4000 km chỉ với một thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay, smart phone. Một trong những công nghệ cốt lõi hiện thực hóa điều kỳ diệu đó là truyền thông vô tuyến dựa vào sóng điện từ. Khởi nguồn của công nghệ này là nhà Nobel vật lý G. Marconi, người đã truyền tín hiệu viễn thông đầu tiên xuyên qua biển Atlantic năm 1901. Với sự phát triển bùng nổ của internet và ứng dụng của nó như VR/AR, autonomous driving, IoT nhu cầu về tốc độ truyền thu dữ liệu sẽ nhanh chóng vượt qua khả năng đáp ứng của công nghệ 4G hay 5G. Trên dải tần sóng điện từ có một vùng được xem là khoảng trống chưa được sử dụng cho đến những thập niên gần đây: Terahertz (THz). Sóng THz có tần số trong khoảng 0.1–10 THz có tiềm năng lớn đưa công nghệ truyền thông vô tuyến lên một tầm mới vì băng thông rộng hơn và là dải tần chưa được khai phá. THz wave nằm giữa dải tần sóng radio và ánh sáng, thừa hưởng đặc tính thú vị sóng hạt của cả hai dải tần hàng xóm. Bài viết này sẽ giới thiệu cái nhìn tổng quan và tiềm năng ứng dụng của sóng THz. Một số lab và viện nghiên cứu tiêu biểu ở Nhật cũng được giới thiệu.

Khái quát về nhựa công nghiệp

Mặc dù là vật liệu mới chỉ được sản xuất hàng loạt từ đầu thế kỉ 20, ngày nay, nhựa đã được sử dụng rộng rãi trong tất cả các ngành từ vật liệu gia dụng đến sản xuất công nghiệp. Bài viết chia sẻ một cái nhìn khái quát về những ưu nhược điểm của loại vật liệu này, đồng thời giới thiệu một số vật liệu nhựa phổ biến được dùng trong công nghiệp, tính năng và cách phân loại chúng. Ngoài ra, thông qua bài viết, bạn đọc cũng sẽ nắm được cơ bản quá trình sản xuất và cách thức gia công loạics vật liệu này, các đơn vị sản xuất tham gia trong chuỗi cung ứng cũng như tên tuổi một số nhà sản xuất nhựa công nghiệp lớn trên thế giới và ở Nhật Bản.

Ứng dụng của quang xúc tác trong đa lĩnh vực

Được truyền cảm hứng từ công trình sử dụng vật liệu quang xúc tác titan đi-ô-xít (TiO2) để tách phân tử nước thành hydro (H2) và oxy (O2) của hai nhà hoá học Fujishima Akira và Honda Kenichi vào năm 1972, nhiều nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản và trên thế giới đã nghiên cứu TiO2 và nhiều loại vật liệu quang xúc tác khác có độ bền cao và có khả năng hoạt động dưới nguồn sáng kích thích ở trong vùng ánh sáng khả kiến thay vì chỉ dưới vùng ánh sáng cực tím như TiO2. Với việc H2 dần được sử dụng rộng rãi như một nhiên liệu sạch, không phát thải khí nhà kính trong quá trình tiêu thụ và có tỉ khối năng lượng lớn, ví dụ như pin nhiên liệu hydro cho ngành công nghiệp ô tô. Quang xúc tác đã cho thấy tiềm năng của mình trong việc sản xuất nhiên liệu H2 trên diện rộng với giá thành rẻ vì tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Nguyên lý cơ bản của các vật liệu quang xúc tác là các điện tử và lỗ trống được sinh ra từ quá trình kích thích bằng ánh sáng sẽ được sử dụng cho phản ứng oxy hoá của phân tử nước thành O2 và khử proton thành H2. Dựa trên nguyên lý căn bản này, bên cạnh tách nước, quang xúc tác cũng có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích khác như phân huỷ các hợp chất hữu cơ độc hại với môi trường, diệt vi-rút có hại trong quá trình sản xuất thực phẩm. Bài viết này sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về những bước tiến nổi bật trong nghiên cứu và triển vọng ứng dụng của lĩnh vực quang xúc tác vào công nghiệp sản xuất nhiên liệu, vật liệu ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

05.Điện tử

Góc nhìn vi mạch Việt Nam từ Nhật Bản

Bài viết hướng đến những độc giả quan tâm tới vi mạch nhưng không chuyên sâu, hy vọng giúp độc giả hiểu khái quát về quá trình phát triển vi mạch ở Nhật Bản, những thành công-bài học kinh nghiệm, và chia sẻ góc nhìn cho ngành vi mạch Việt Nam hiện nay. Phần đầu bài viết là tổng lược quá trình lịch sử phát triển công nghiệp bán dẫn và vi mạch, cũng như vị thế trên thế giới ngành vi mạch của Nhật Bản. Kế đến, bài viết giới thiệu sơ lược một số lab nghiên cứu vi mạch tiêu biểu ở Nhật Bản và hướng nghiên cứu chính của lab. Phần cuối bài là một vài suy nghĩ về công nghiệp bán dẫn-vi mạch Việt Nam.

Tổng quan về phân phối khóa lượng tử (Quantum Key Distribution)

Phân phối khóa lượng tử (Quantum Key Distribution – QKD) được kỳ vọng là phương pháp bảo mật an toàn tuyệt đối bất chấp sự tiến bộ của khoa học máy tính bao gồm sự ra đời của máy tính lượng tử. QKD được dùng để bảo vệ dữ liệu có độ nhạy cảm và tính quan trọng cao trong nhiều ngành công nghiệp như tài chính, quốc phòng, y tế. Bài viết này trước tiên giới thiệu sơ lược về QKD cũng như tầm quan trọng của nó, và giới thiệu thành tựu chính trong nghiên cứu thực nghiệm QKD những năm gần đây. Bên cạnh đó, bài viết giới thiệu các tổ chức ở Nhật Bản cũng như trên thế giới tham gia nghiên cứu và phát triển hệ thống QKD.

Công nghệ truyền tải điện một chiều cao áp (HVDC): góc nhìn từ Nhật Bản

Công nghệ điện một chiều cao áp (High Voltage Direct Current, viết tắt là HVDC) đã được chứng minh là sự lựa chọn tin cậy và hiệu quả với nhiều ứng dụng cụ thể trong lĩnh vực kỹ thuật điện như trong các hệ thống truyền tải điện công suất lớn với khoảng cách xa, đường dây điện dài hay kết nối nhiều hệ thống điện không đồng bộ v.v. Sự phát triển về công nghệ trong các bộ chuyển đổi một chiều – xoay chiều (và ngược lại) nói riêng và hệ thống HVDC nói chung đem đến nhiều lợi thế khi sử dụng so với hệ thống điện xoay chiều và góp phần thúc đẩy tăng trưởng các dự án HVDC trên thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù vậy, công nghệ HVDC vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam do những lo ngại về chi phí đầu tư xây dựng cũng như chưa có đánh giá cụ thể về tầm quan trọng và tính khả thi của các dự án HVDC trong điều kiện của hệ thống điện Việt Nam. Trong bài viết này, một cái nhìn tổng quan về công nghệ HVDC nói chung và những ứng dụng của nó tại Nhật Bản được đề cập, từ đó đưa ra được những gợi ý về việc áp dụng công nghệ này trong việc phát triển hệ thống điện của Việt Nam.

Công nghệ Hỗ trợ Điều khiển Ô tô dành cho Người Khuyết tật

Các vấn đề sức khỏe người lái xe ô tô gặp phải, bao gồm mệt mỏi, chấn thương, cũng như việc phục hồi khả năng lái xe ở người khuyết tật, đang rất được quan tâm hiện nay. Các nhà khoa học Nhật Bản đã và đang nghiên cứu hoàn thành các giải pháp cho vấn đề này. Bài viết này trình bày một cách khái quát các công nghệ của Nhật Bản nhằm hỗ trợ lái xe cho người khuyết tật. Trước hết, chúng tôi trình bày tình hình chung về hiện trạng cũng như nhu cầu xã hội nhằm nêu lên tính cần thiết của đề tài. Sau đó, các phương pháp được trình bày bao gồm sử dụng giao diện người- máy kết hợp với điện cơ đồ bề mặt nhằm thay thế cho vô lăng và phanh truyền thống (Đại học Tokyo), hệ thống mô phỏng lái xe dành cho khuyết tật (Viện Phục hồi Chức năng Tokyo), và cuối cùng là trình nhận diện thao tác, cử chỉ nhằm hỗ trợ việc lái xe (Đại học Quận Iwate và JFP). Trong mỗi phương pháp, chúng tôi trình bày từ tổng quan cho tới bàn luận, bắt nguồn từ việc tham khảo các tài liệu khoa học liên quan đã được công bố, và tóm tắt kết quả của đề tài nghiên cứu. Cuối cùng, phần kết luận chung được rút ra.

06.Robot

Ứng dụng gia công kĩ thuật số trong thiết kế robot thân mềm

Robot thân mềm (Soft-bodied Robot) là một hướng nghiên cứu mới trong ngành thiết kế robot. Khác với robot truyền thống được làm bằng các vật liệu cứng, robot thân mềm dựa vào các tính chất mềm dẻo, biến dạng, hoặc đàn hồi của vật liệu để thiết kế và điều khiển hoạt động của robot. Do đặc tính dễ dàng thích ứng với sự thay đổi hình dạng để phù hợp với môi trường xung quanh, robot thân mềm phù hợp cho những nhiệm vụ liên quan đến tương tác với con người, khám phá, và quan trắc môi trường. Trong hầu hết các thiết kế, robot thân mềm thường được hợp thành bởi một khối vật liệu mềm liên tục (Soft Continuum). Điều này khiến cho robot thân mềm có thể dễ dàng được chế tạo hàng loạt bằng các công nghệ gia công kĩ thuật số (Digital Fabrication). Bài viết này sẽ điểm qua một số công nghệ gia công kĩ thuật số được sử dụng để thiết kế, chế tạo, và điều khiển robot thân mềm. Những robot này được lấy cảm hứng từ cấu trúc cơ thể của các loài côn trùng (sâu đo, tuyến trùng) và bò sát (rắn). Các công nghệ gia công kĩ thuật số được nhắc đến trong bài viết bao gồm: mực dẫn điện và in mạch điện lên giấy, in 3D vật liệu đàn hồi, tích hợp gia công mạch điện vào chu trình in 3D.

Robot mềm, một góc nhìn từ Hồ Lab

Bài viết trình bày ngắn gọn khái niệm tổng quát về robot mềm, một số cách thức phân loại nghiên cứu về lĩnh vực này, nhấn mạnh cách phân loại theo ba hình thức cơ cấu mềm, chuyển động mềm và trí thông minh mềm. Các tác giả cũng giới thiệu về một số lab nghiên cứu mạnh cũng như chương trình nghiên cứu về robot mềm của Nhật Bản. Ở phần chính, các tác giả tập trung giới thiệu về nghiên cứu của Hồ lab (JAIST) dựa trên các công bố quốc tế tại các tạp chí và hội thảo đầu ngành về các lĩnh vực chính: cơ cấu truyền động mềm, cảm biến xúc giác, phỏng sinh học và công nghệ in 3D vật liệu mềm.

07.Xây dựng

Công nghệ ép cọc không chiếm diện tích thi công của GIKEN: Hệ thống G.R.B

Ngày nay, cùng với sự phát triển đô thị, hoạt động xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng thường xuyên phải đối mặt với vấn đề thiếu không gian xây dựng. Một số công trình bị chậm tiến độ và đôi khi mâu thuẫn phát sinh từ việc sử dụng hiện trường và trang thiết bị xây dựng. Nhằm khắc phục những vấn đề trên, Giken Ltd, một nhà chế tạo của Nhật Bản, đã phát triển dòng máy xây dựng hiện đại được đặt tên là “Silent Piler” với mục đích thi công hạ cọc thép vào lòng đất mà không gây ra tiếng ồn đồng thời giảm rung chấn. Ngoài những ưu điểm nêu trên, Giken cũng đã phát triển một công nghệ mới được gọi là Hệ thống Giken Reaction Base (GRB) cho phép tiến hành thi công không chiếm dụng diện tích khi xây dựng. Với hệ thống GRB, máy Silent Piler có thể di chuyển trên đỉnh hàng cọc hoàn thành và tận dụng phản lực từ những cọc này để tịnh tiến và thi công những cọc tiếp theo. Hệ thống GRB có thể giảm đáng kể diện tích xây dựng đồng thời vẫn giúp tối thiểu hóa những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh. Hơn thế nữa, vào tháng 4 năm 2020, Giken đã công bố một thế hệ “Silent Piler” mới có tên gọi là “Smart Piler”. Không những kế thừa tất cả những ưu điểm của dòng máy trước, Smart Piler đạt được tốc độ thi công hạ cọc nhanh hơn nhưng lại có trọng lượng máy nhẹ hơn đáng kể. Một kỹ thuật khác mà Giken muốn giới thiệu là Kết cấu Implant. Kết cấu Implant là một phương pháp sáng tạo trong kỹ thuật xây dựng tường chắn bằng cọc ống thép nhằm ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu như lũ quét và sóng thần. Kết cấu Implant có thể trở thành một bức tường vững chãi có thể thay thế tường chắn bằng đất hoặc bê tông vốn không đủ chắc chắn trước các điều kiện thời tiết cực đoan. Cuối cùng là, mỗi cọc đơn lẻ đều có thể được giám sát trong quá trình hạ cọc, từ lực ép, mô men xoắn của mũi khoan và thời gian ép bằng cách sử dụng Hệ thống Giám sát Press-in của Giken.

Giới hạn nào cho công nghệ và kỹ thuật xây dựng

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, AI, IoT, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp, v.v. đã dẫn đến những thay đổi có thể xem là một cuộc cách mạng trong nhiều ngành nghề sản xuất công, nông nghiệp cũng như dịch vụ. Ngành xây dựng cũng không nằm ngoài xu thế đó, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng lao động trong ngành xây dựng suy giảm ở một số nước như Nhật Bản. Mặt khác, ngành xây dựng cũng là một trong những ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, do đó, việc đưa vào ứng dụng những giải pháp thay thế cho sức lao động trực tiếp của con người trong một số hoàn cảnh thi công đặc thù là vô cùng cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại về người. Trong bài viết này, một số ví dụ về những ứng dụng mới của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng sẽ được giới thiệu để làm rõ hơn những xu hướng phát triển của ngành này trong tương lai và trả lời câu hỏi liệu ngành xây dựng có còn chỉ giới hạn trong những khái niệm truyền thống.

Công nghệ khảo sát địa chất của công ty Jibannet

Khảo sát địa chất là một khâu không thể thiếu khi tiến hành xây dựng các công trình. Đặc biệt, ở Nhật Bản nơi thường xuyên xảy ra động đất, hay sạt lở do mưa lũ, việc điều tra địa chất là yêu cầu quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của người dân. Những thông tin về địa chất có thể giúp chúng ta đưa ra những thiết kế công trình phù hợp nhất cho mỗi địa hình và định hình ra kế hoạch kiểm tra, tu sửa. Bài viết này tập trung vào giới thiệu một số công nghệ khảo sát địa chất do công ty Jibannet phát triển. Các công nghệ này bao gồm: công nghệ khảo sát địa chất, công nghệ Jishin eye®, công nghệ bản đồ địa chất Jibananzen Map® PRO.

08.Môi trường

Giám sát dịch bệnh COVID-19 thông qua quan trắc nước thải tại Nhật Bản

Đại dịch COVID-19 gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 đang là mối lo ngại trên toàn thế giới. Do đó, các giải pháp dự đoán và đánh giá tình hình lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng đóng vài trò rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Gần đây, vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện phổ biến trong phân của các bệnh nhân COVID-19 (bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng) cũng như trong nước thải tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Qua đó, nhiều nhóm nhiên cứu trên thế giới đã quan trắc vi rút SARS-CoV-2 trong nước thải để đánh giá/dự đoán tình hình dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Bài viết dưới đây tập trung đánh giá tiềm năng sử dụng giải pháp giám sát dịch bệnh COVID-19 thông qua quan trắc nước thải nước thải, dựa trên các nghiên cứu được thực hiện gần đây tại Nhật Bản. Các nghiên cứu này cho thấy SARS-CoV-2 RNA có thể được phát hiện trong nước thải khi trong cộng đồng có số ca COVID-19 tương đối thấp (< 1/100.000 người). Hơn nữa, quan trắc nước thải cũng phát hiện được SARS- CoV-2 RNA trước cả khi có ca COVID-19 được phát hiện tại các cơ sở y tế. Điều này chứng tỏ tiềm năng lớn trong việc ứng dụng kỹ thuật quan trắc nước thải để dự báo sớm dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Tiềm năng của công nghệ chảy xuôi dòng với giá thể bọt biển (Down-flow Hanging Sponge – DHS) trong xử lý nước thải

Công nghệ chảy xuôi dòng với giá thể bọt biển (Down-flow Hanging Sponge – DHS) đã được phát triển và nghiên cứu ứng dụng để xử lý nước thải trong hơn hai thập kỉ gần đây. Với nguyên lý hoạt động dựa vào việc cấp thụ động oxy trong không khí vào nước thải chảy nhỏ giọt từ trên cao xuống, hệ thống DHS đã khắc phục được các nhược điểm của hệ thống hiếu khí thông thường, như tiêu tốn điện năng cho bơm sục khí, lắp đặt hệ thống đường ống khí phức tạp, và cần diện tích xây dựng lớn. Cấu tạo của DHS tương tự công nghệ lọc nhỏ giọt sinh học nhưng vật liệu là các miếng bọt biển polyurethane có khả năng lưu giữ vi sinh vật trên và trong vật liệu, giúp tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm, đồng thời cũng giảm đáng kể lượng bùn dư sinh ra. Bài viết này giới thiệu về công nghệ DHS với các biến thể của hệ thống (với tên gọi từ G1 tới G6) và ứng dụng của chúng trong xử lý nước thải. Ngoài ra, ưu điểm của DHS so với các hệ thống xử lý nâng cao khác và một số lưu ý trong xây dựng và vận hành hệ thống cũng được chia sẻ và thảo luận.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt-cách tiếp cận tổng hợp ở Nhật Bản và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Môi trường là vấn đề toàn cầu và trở thành trọng điểm song song với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở tất cả các quốc gia. Sau nhiều thập kỉ trải nghiệm qua các mốc phát triển đáng chú ý, các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới luôn chú trọng đến phát triển bền vững và ngày càng đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu các công nghệ, mô hình, vật liệu thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên sơ cấp, sử dụng nguyên liệu thay thế và hướng tới một cuộc sống xanh. Một trong những vấn đề luôn được chú trọng chính là quản lý chất thải, là tất cả những vật dụng, vật liệu không cần thiết mà hằng ngày, hằng giờ con người và tự nhiên đang thải bỏ với khối lượng và dung tích ngày càng gia tăng và phức tạp. Đối diện với vấn đề này, mỗi quốc gia, khu vực có các cách tiếp cận khác nhau phụ thuộc vào điều kiện địa kinh tế và xã hội cũng như phong cách đời sống của con người và thực tế cho thấy, các quốc gia phát triển đã đi đầu trong việc quản lý thành công việc thải bỏ chất thải rắn, biến chất thải thành nguồn tài nguyên có giá trị thông qua áp dụng các chính sách phân loại chất thải đối với người dân và nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải để biến chất thải thành các vật liệu hữu ích, năng lượng thứ cấp phục vụ chính đời sống con người. Trong các quốc gia đó, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thành công trong chương trình phân loại chất thải tại nguồn cũng như nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc giảm thiểu nguồn phát thải, giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa cũng như tăng tỷ lệ tái chế, tỷ lệ tái tạo năng lượng từ chất thải, biến các bãi chôn lấp đã đóng cửa để phục vụ đời sống con người và không ngừng nỗ lực để xây dựng các thành phố zero-waste (không chất thải). Bài học về cách quản lý chất thải toàn diện của Nhật Bản sẽ được giới thiệu trong bài viết này chú trọng vào tổng quan thể chế chính sách đã được phát triển và xây dựng từ trung ương đến địa phương cũng như các công nghệ ứng dụng hữu ích trong xử lý chất thải hướng tới một xã hội tuần hoàn vật chất rất đáng được học tập cho các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam chúng ta.

Viễn thám ở Nhật Bản

Viễn thám gần đây đã trở nên phổ biến với các ứng dụng rộng rãi trong nhiều khía cạnh của nghiên cứu môi trường và kỹ thuật. Dưới đây là bản tóm tắt dựa trên hiểu biết cá nhân về lĩnh vực viễn thám ở Nhật Bản. Tác giả hy vọng đây có thể là một bài giới thiệu hữu ích cho các học giả đang xem xét nghiên cứu sau đại học của họ tại Nhật Bản trong lĩnh vực này.

Tổng quan và mô hình tiêu biểu: Quản lý – Xử lý rác thải sinh hoạt ở Nhật Bản

Bài viết này tập trung giới thiệu bức tranh tổng quan về hệ thống quản lý và xử lý rác sinh hoạt (RSH) ở Nhật Bản, bao gồm: xu hướng xử lý rác thải trong mấy thập niên gần đây, định hướng chiến lược, hệ thống các luật và quy định để thực thi các mục tiêu, các hoạt động và chương trình liên quan cũng như xu hướng công nghệ (từ khâu xử lý trung gian đến hệ thống xử lý cuối cùng). Nhằm cung cấp đến độc giả thông tin kết quả đạt được cũng như hiện trạng và xu hướng quản lý và xử lý RSH ở Nhật Bản, thông tin về dòng rác thải gần đây nhất (2018) cũng được tổng hợp và giới thiệu trong bài viết này. Ở các địa phương khác nhau, việc áp dụng các định hướng, cách tiếp cận, cũng như ứng dụng cụ thể và phát huy các sáng kiến là khác nhau; trong bài viết này, nhóm tác giả muốn giới thiệu các mô hình tiêu biểu về hệ thống quản lý rác thải ở Nhật Bản (thành phố Yokohama, thành phố Kitakyushu và tỉnh Hokkaido). Bài học từ hiện trạng và xu hướng cũng như những thành tựu về hệ thống quản lý – xử lý rác thải ở Nhật Bản được nhóm tác giả liên hệ một số vấn đề liên quan quản lý – xử lý rác tại Việt Nam.

09.Nông nghiệp

Phương pháp tăng năng suất lao động và thu hoạch trong Nông nghiệp Nhật Bản

Tốt nghiệp chuyên nghành Cơ khí Bảo quản và Chế biến thực phẩm thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sang nhật làm việc tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó 2009-2012 làm nghiên cứu viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Nhật Bản (NARO). Thời kỳ đó đã học và tiếp cận được nhiều phương pháp làm nông nghiệp năng suất cao và thông minh của người dân Nhật bản. Thông qua đề án này, tôi muốn chia sẻ cách làm Nông nghiệp thông minh của người Nhật cho độc giả, với mong muốn được lan tỏa cho tất cả mọi người tham khảo nếu thấy cần thiết. Mở đầu là cách trồng Củ mài (củ hoài sơn) có độ dài gấp đôi thông thường. Tiếp theo là tại sao khoai lang Nhật Bản sản lượng gần gấp đôi so với trồng tại Việt nam. Trong trồng nấm, họ dùng thiết bị đánh sét nhân tạo để tái hiện lại môi trường tự nhiên cho trồng nấm để tăng sản lượng thu hoạch. Ví dụ trồng táo, làm thế nào để trồng được quả táo to và ngon. Ngoài ra còn nhiều ví dụ khác như gieo hạt siêu nhanh, trồng hành dài, tỏi, hẹ siêu nhanh nhờ dụng cụ rất đơn giản. Trong trồng dâu tây, người ta dùng phương pháp sốc nhiệt để đánh lừa, làm cho cây đơm hoa kết quả trái mùa. Trong phạm vi số trang đã quy định. Bài viết này chọn cách viết với nội dung đơn giản dễ hiểu, muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình, muốn truyền tải nhiều ý tưởng hay đang được áp dụng trong sản xuất Nông nghiệp của Nhật Bản.

Chỉnh sửa genome – công nghệ đột phá trong chọn tạo giống cà chua và dưa lưới tại Nhật Bản

Công nghệ chỉnh sửa genome đã mở ra một kỷ nguyên mới cho kỹ thuật thao tác trên vật liệu di truyền DNA. Kỹ thuật này được phát triển từ đầu những năm 1990, sau đó nhanh chóng trở thành công nghệ đột phá, đặc biệt trong chọn tạo giống cây trồng. Chỉnh sửa genome được ghi nhận là “phương pháp của năm” bởi tạp chí Nature Method, “bước đột phá” năm 2012, 2013 và 2015 bởi tạp chí Science. Nhật Bản là một trong những cường quốc dẫn đầu trong nghiên cứu chỉnh sửa genome, đặc biệt ứng dụng trong nông nghiệp. Cà chua và dưa lưới là hai cây trồng có giá trị kinh tế cao trong tiêu thụ trực tiếp và các sản phẩm chế biến công nghiệp. Tại Nhật Bản, cà chua được lựa chọn là một trong các chương trình tài nguyên sinh học quốc gia (NBRP) được tài trợ bởi Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT); thương hiệu dưa lưới Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới về chất lượng và giá thành. Tháng 12 năm 2020, Bộ y tế Nhật Bản đã chấp nhận cà chua chỉnh sửa genome tăng hàm lượng GABA có khả năng giảm huyết áp là nguồn thực phẩm và sẽ được thương mại hoá sau khi được ghi nhãn mác hàng hoá theo quy định. Thành tựu nổi bật này đã khẳng định ý nghĩa to lớn mà công nghệ chỉnh sửa genome được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội chứng không có chửa sau nhiều lần thụ tinh trên bò sữa và tiềm năng ứng dụng công nghệ protein tái tổ hợp trong điều trị

Quản lý sinh sản góp phần quan trọng đảm bảo hiệu quả kinh tế trong ngành chăn nuôi bò sữa; khi đàn bò mang thai đều đặn theo chu kỳ sinh sản (trung bình 12 tháng đẻ một bê); sản lượng sữa, theo lý thuyết, sẽ đạt năng suất tối ưu. Nhưng trong thực tế, sản lượng sữa trên mỗi cá thể tăng nhanh trong những thập kỷ qua đã làm giảm khả năng mang thai thành công của đàn bò. Đặc biệt, sản lượng sữa cao là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới hội chứng không có chửa sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo (repeat breeder syndrome – RBs), gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các trang trại chăn nuôi. Những cá thể bò này, mặc dù vẫn có chu kỳ động dục đều đặn (trung bình 21 ngày/chu kỳ), không phát hiện các bất thường trong đặc điểm giải phẫu cơ quan sinh dục; tuy nhiên, không mang thai sau 3 (hoặc nhiều hơn) lần thụ tinh nhân tạo liên tiếp. Các nghiên cứu trên nhóm bò này cho thấy, bên cạnh sự bất thường trong nồng độ các hormone steroid: progesterone, estradiol (đỉnh nồng độ hình thành sau thời gian gian dài hơn và có giá trị thấp hơn); còn ghi nhận sự thay đổi trong nồng độ của yếu tố tăng trưởng thượng bì nội tử cung (endometrial epidermal growth factor – EGF), một hợp chất chính tham gia điều tiết môi trường tử cung và quá trình phát triển của phôi. Khoảng 70% bò sữa không có chửa sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo (bò sữa RB) có nồng độ EGF giảm mạnh vào các ngày 2-4 và 13-14 trong chu kỳ động dục); trong khi đó, đây là thời điểm nồng độ đạt đỉnh trên những bò sữa sinh sản bình thường. Cho tới nay, phòng thí nghiệm Sinh sản động vật, trường Thú y, Đại học Hokkaido đã nghiên cứu và ứng dụng phương pháp điều trị bằng hormone ngoại lai (progesterone kết hợp với estradiol) đem lại kết quả khả quan với 70% bò phục hồi nồng độ EGF và 60% các bò mang thai trở lại. Tuy nhiên, việc sử dụng hormone estradiol trên bò sữa bị hạn chế ở nhiều quốc gia, do những lo ngại liên quan tới sự tồn dư của hormone trong sản phẩm sữa bò. Với những nỗ lực nhằm phát triển các phương pháp điều trị thay thế, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng hợp chất seminal plasma (tách chiết từ tinh dịch bò đực) trong điều trị bò sữa RB. Kết quả cho thấy, 60% bò điều trị có nồng độ EGF hồi phục tương đương với bò bình thường và 60% số bò này mang thai trở lại. Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ protein tái tổ hợp để sản xuất hợp chất osteopontin, một thành phần trong seminal plasma có triển vọng lớn trong ứng dụng nâng cao khả năng sinh sản của đàn bò sữa.

10.Y sinh

DNA/RNA aptamer:Tổng quan về phương pháp sàng lọc, hiện trạng và hạn chế ứng dụng trong y học

Aptamers là các đoạn DNA/RNA sợi đơn ngắn có chiều dài từ 20-100 nucleotide và được chọn lọc thông qua một quá trình tương tự như quá trình chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa được gọi là Systematic Evolution of Ligands by EXponential enrichment (SELEX) [1][2][3]. Do khả năng gắn với phổ rộng đối với nhân tố đích, mà aptamer được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau từ trong việc dùng nó để làm nhân tố nhận biết các chỉ dấu môi trường hay bệnh học, đến dùng nó trong liệu pháp hướng đích trị bệnh [4][5][6]. Trong y học, aptamer được biết đến như một kháng thể hóa học, đã được chứng minh là có giá trị chẩn đoán và điều trị cao qua việc loại thuốc aptamer đầu tiên của FDA vào năm 2004 và nhiều aptamer đã được kiểm chứng lâm sàng ở pha cuối [7][8]. Cùng với các loại DNA/RNA khác, sử dụng aptamer để phát triển vaccine, thuốc hướng đích đang một xu hướng được quan tâm và đầy hứa hẹn. Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin giới thiệu tổng quan về aptamer, nguyên tắc cơ bản trong phương pháp chọn lọc aptamer, tình hình hiện tại trong việc sử dụng aptamer, những vẫn đề òn tồn tại trong quá trình phát triển aptamer để phát triển thuốc trong liệu pháp hướng đích và gợi ý hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.

Giới thiệu hệ thống bảo hiểm y tế và kê đơn thuốc của Nhật Bản

Với chi phí y tế trên GDP là 9.6% và bao phủ gần 100% dân số, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống y tế hiệu quả nhất thế giới theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hệ thống Bảo hiểm Y tế Nhật Bản có tính công bằng và chi phí – hiệu quả cao dựa trên nền tảng phát triển kinh tế cao độ và tính nhân văn của xã hội Nhật. Tuy vậy, trong danh mục chi phí cho y tế, chi cho dược phẩm vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (18.3%) đứng thứ 3 trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) theo thống kê năm 2019. Nhằm tăng cường chi phí hiệu quả của việc sử dụng thuốc, Nhật Bản đã quyết định triển khai “chương trình khuyến khích sử dụng an toàn thuốc gốc” từ năm 2007 nhằm khuyến khích bác sỹ và dược sỹ sử dụng thuốc gốc. Bài viết này tóm tắt một số nét chính về hệ thống bảo hiểm của Nhật, vai trò dược sỹ và việc kê đơn thuốc bảo hiểm tại các phòng khám ngoại trú. Những bài học rút ra từ quá trình triển khai hệ thống bảo hiểm y tế và hệ thống kê đơn thuốc ngoại trú tại Nhật Bản hy vọng có thể đóng góp cho sự phát triển và hoàn thiện ngành y tế Việt Nam hướng tới mục tiêu “công bằng, hiệu quả, phát triển”.

Tổng Quan Về Thuốc Ức Chế Điểm Kiểm Soát Miễn Dịch Chỉ Định Cho Các Trường Hợp Ung Thư Gan Tái Phát Sau Ghép Gan

Sự ra đời của các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đã giúp cho các bệnh nhân ung thư gan tái phát sau ghép gan có thêm lựa chọn điều trị sau thất bại với sorafenib. Tuy nhiên gần đây ghi nhận một vài báo cáo liên quan đến suy gan cấp sau điều trị với các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như nivolumab, pembrolizumab và ipilumumab dẫn đến tình trạng thải ghép. Cơ chế tác động của thuốc đối với sự dung nạp miễn dịch ở bệnh nhân ghép gan vẫn chưa được làm rõ. Các bác sĩ cần thận trọng trong việc chỉ định thuốc cho các bệnh nhân, cũng như cần theo dõi chặt chẽ chức năng của gan ghép sau dùng thuốc để hạn chế sự thải ghép. Định vị các dấu ấn sinh học để lựa chọn thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch phù hợp cho từng cá thể bệnh nhân cần được quan tâm và phát triển.

Ngân hàng Sinh học cho nghiên cứu y sinh ở Nhật Bản

Độ lớn và chất lượng của dữ liệu đầu vào cho các nghiên cứu y sinh ngày càng cao, đòi hỏi các ngân hàng sinh học/kho lưu trữ sinh học phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tính chuyên nghiệp trong vận hành. Tại Việt Nam, hoạt động lưu trữ sinh học được tiến hành hàng ngày, ở khắp các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học. Để phát triển hoạt động này ở quy mô lớn, tầm nhìn dài hạn và tối ưu hóa nguồn lực, có rất nhiều bài học từ Nhật Bản mà Việt Nam có thể tham khảo, có rất nhiều trung tâm nghiên cứu và ngân hàng sinh học ở Nhật Bản mà Việt Nam có thể hợp tác để cùng nhau phát triển. Bài viết giới thiệu tổng quan về ngân hàng sinh học và các hoạt động lưu trữ sinh học phục vụ nghiên cứu y sinh ở Nhật Bản. Các điển hình tiêu biểu của Nhật Bản được kể tới 3 đại dự án Biobank Japan, Tohoku Medical Megabank và Japan National Center Biobank Network (NCBN), 8 ngân hàng sinh học vừa và nhỏ và một tổ chức về lưu trữ sinh học (Council for Industrial use of Biological and Environmental Repositories – CIBER). Qua những thông tin này, hi vọng mở ra các ý tưởng và cơ hội hợp tác giữa 2 nước, cũng có thể thấy được các thử thách và cơ hội phía trước trong việc phát triển các ngân hàng sinh học ở Việt Nam.

Xét nghiệm đa gene về ung thư

Ung thư thường xảy ra do sự xuất hiện và tích tụ các đột biến gene liên quan tới kiểm soát sinh sản và phát triển của tế bào. Xét nghiệm đa gene về ung thư dùng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing, NGS) là một tiếp cận tân tiến để phát hiện các đột biến gene đó, là công cụ hứa hẹn có thể giúp bệnh nhân tìm ra thuốc nhắm đích phù hợp với hiệu quả điều trị cao hơn. Tuy nhiên, giới khoa học và các bác sĩ vẫn đang thận trọng với tiếp cận mới này, vì kỳ vọng thiết thực (Hope) và lời đồn thần thoại (Hype) có thể khó phân định. Bài viết này cung cấp thông tin về tiềm năng và thử thách khi ứng dụng xét nghiệm đa gene tại Nhật Bản, mong rằng có thể hỗ trợ việc ra quyết định về chính sách lẫn triển khai thực tế tại Việt Nam.

Tiềm năng và ứng dụng của túi ngoại bào (Extracellular vesicle) từ tế bào gốc trung mô

Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trung mô (MSC) nhằm điều trị bệnh hoặc phục hồi chức năng của các tế bào và mô bị tổn thương đang được thử nghiệm mở rộng trong y học tái tạo. MSC thực hiện chức năng chủ yếu thông qua con đường trung gian nội tiết nhằm kích thích sự sửa chữa và tăng sinh của các tế bào lân cận thay vì trực tiếp biệt hóa và thay thế các tế bào tổn thương. Đặc biệt, các túi ngoại bào tiết ra từ MSC (EV), vốn chứa các thông tin di truyền và phân tử sinh học từ tế bào MSC mẹ có khả năng xâm nhập vào tế bào đích và điều hòa đặc tính sinh học cũng như chức năng của tế bào đích. Với kết quả điều trị tương tự như tế bào mẹ MSC, EV đang là đối tượng được tập trung nghiên cứu gần đây nhằm phát triển liệu pháp không tế bào. Bài viết tập trung giới thiệu các đặc tính cơ bản của MSC và EV, cũng như một số nghiên cứu ứng dụng EV trong điều trị tại Nhật nhằm hướng đến triển vọng nghiên cứu và ứng ụng EV tại Việt Nam.

Giới thiệu Phòng nghiên cứu các bệnh gan, mật, tụy tại trường Đại học thành phố Osaka, Nhật Bản

Gan là một cơ quan chuyển hóa phức tạp, như một nhà máy hóa chất của cơ thể. Tế bào gan (tế bào nhu mô gan, chiếm 60-65% tổng số tế bào) thực hiện các chức năng trao đổi chất của gan bao gồm: i) Hình thành và bài tiết mật; ii) Điều chỉnh cân bằng nội môi các hợp chất cacbon; iii) Tổng hợp lipid và bài tiết lipoprotein huyết tương; iv) Kiểm soát chuyển hóa cholesterol; v) Hình thành urê, albumin huyết thanh, các yếu tố đông máu, enzym và nhiều loại protein khác; vi) Chuyển hóa hoặc thải độc và các chất lạ khác. Tế bào vùng xoang gan (không phải tế bào nhu mô gan), chiếm khoảng 35% tổng số tế bào của gan. Những tế bào này được chia thành tế bào nội mạc mạch (44%), tế bào Kupffer (33%), tế bào hình sao (10-25%) và tế bào Nature Killer (5%), chúng bổ sung cho nhau và cho tế bào nhu mô gan trong việc thực hiện các chức năng chuyên biệt của chúng. Rối loạn chức năng gan có thể là kết quả của nhiều tác nhân, bao gồm nhiễm trùng, thuốc, độc tố, thiếu máu cục bộ và rối loạn tự miễn dịch, vvv. Hầu hết các rối loạn gan đều gây ra tổn thương và hoại tử tế bào gan ở một mức độ nào đó, dẫn đến các trạng thái khác nhau bao gồm viêm gan, xơ gan, và ung thư gan. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về thành tựu của Nhật Bản trong điều trị các bệnh gan mật, cùng với những nghiên cứu, những mô hình bệnh học gan mật đang được triển khai ở phòng nghiên cứu của chúng tôi.

11.Chính sách

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ – Điểm tựa cho sự phát triển khoa học – công nghệ tại Nhật Bản

Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (đặc biệt với hai trụ cột là sáng chế và quyền tác giả) tại Nhật Bản được xây dựng và thực thi hiệu quả đã góp phần đắc lực vào việc bảo vệ các tài sản trí tuệ, từ đó tạo điểm tựa vững chắc cho sự phát triển khoa học công nghệ. Nội dung của các quy định này cũng được xây dựng trên cơ sở các điều ước quốc tế đã trở thành chuẩn mực cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu, nên không có sự khác biệt cơ bản với quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều làm nên chất lượng bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ nằm ở khâu giải thích, thực thi các quy định và xử lý các vi phạm phát sinh. Tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản trong giải thích, thực thi và xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp Việt Nam phát huy hiệu quả hơn các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình, từ đó thúc đẩy sự phát triển khoa học – công nghệ nước nhà.

Toàn cảnh Chính sách Năng lượng Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước nghèo tài nguyên khoáng sản. Các nguồn dự trữ than đá, dầu khí chỉ có khả năng cung cấp một phần rất nhỏ nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng năm của một cường quốc có quy mô nền kinh tế đứng thứ ba thế giới. Tuy vậy, Nhật Bản lại dẫn đầu về cường độ sử dụng năng lượng với những chính sách và công nghệ tiết kiệm điện và nhiên liệu vượt trội, khiến cho tổng cầu trong các ngành dân dụng, dịch vụ, công nghiệp, giao thông liên tục giảm dần theo thời gian. Bài viết tổng hợp các chính sách và chương trình hành động chính mà Tokyo đã thực hiện trong những thập kỷ gần đây nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về ngành năng lượng ở Nhật Bản, qua đó rút ra một số hàm ý cho Việt Nam. Hy vọng mỗi bạn đọc cũng có thể tìm được những thông tin bổ ích cho riêng mình từ những khía cạnh khác nhau.

Chính sách hỗ trợ hấp thụ và đổi mới công nghệ của Việt Nam cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo bền vững

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động kinh tế – xã hội của Việt Nam như: cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất; các mô hình kinh doanh có chi phí cận biên rất nhỏ, tạo hiệu ứng mạng lưới; cơ hội phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức về cơ cấu việc làm, an ninh an toàn thông tin, bẫy thu nhập trung bình, hoàn thiện chính sách nhà nước, rủi ro về tụt hậu kinh tế. Nghiên cứu này phân tích và đề xuất một số chính sách hỗ trợ đổi mới và hấp thụ công nghệ của Việt Nam về cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm giải quyết nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.